Phạm Ngọc Huyền 20/05/2022
Việc chẩn đoán sớm luôn luôn là một điều tích cực đối với Trẻ Tự kỷ. Nhưng cái khó ở chỗ, mỗi trẻ Tự kỷ đều có những triệu chứng sớm hoặc muộn khác nhau, và tần suất hay cường độ cũng không thể so sánh. Các dấu hiệu sớm của Tự Kỷ có thể được cha mẹ hoặc bác sĩ nhi khoa nhận biết trước khi trẻ 1 tuổi. Tuy nhiên các triệu chứng thường trở nên rõ ràng hơn khi trẻ được 2 hoặc 3 tuổi. Nhưng mỗi đứa trẻ đều khác và có thể không bộc lộ dấu hiệu tới những năm sau. Thậm chí có những người chỉ phát hiện ra mình Tự kỷ cho tới khi đã trưởng thành.
Tuy vậy, các bác sĩ và nhà tâm lý cũng đồng ý ở những triệu chứng phổ biến ở trẻ Tự kỷ để giúp phụ huynh có định hướng thăm khám sớm nhất có thể. Những triệu chứng dưới đây không thể phản ánh lên tất cả các triệu chứng Tự kỷ. Có rất nhiều trẻ phát triển điển hình cũng có một vài hành vi tương tự. Kinh nghiệm của mình là khi phụ huynh thấy hoài nghi về việc con mình có dấu hiệu của Tự kỷ, hãy tìm gặp bác sĩ Tâm lý hoặc bác sĩ Tâm lý học Thần kinh để bé được chẩn đoán rõ ràng và chính xác.
Theo như Bộ Tiêu Chuẩn về Chẩn Đoán DSM-V của Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ, Rối loạn Phổ Tự Kỷ được định nghĩa bởi sự khó khăn kéo dài về giao tiếp (difficulties in communication), nhạy cảm giác quan (sensory sensitivity), sở thích hạn chế (restricted interests), ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive), lo lắng xã hội (social anxiety) và hành vi lặp đi lặp lại (repetitive behaviours). Một vài triệu chứng thường gặp như sau:
Một số trẻ lảng tránh ánh mắt trực tiếp khi đối thoại, hoặc không chủ động & từ chối cử chỉ thể hiện tình cảm từ người thân.
Một số trẻ không có phản hồi khi người khác gọi tên mình nhiều lần, ngay cả khi gây nhiều sự chú ý.
Có nhiều trẻ có thể đã nói ba / mẹ / dada / mama nhưng dần dần không sử dụng những từ vựng này nữa.
Trẻ không thu hút sự chú ý của cha mẹ hoặc người khác vào đồ vật / sự kiện, ví dụ như không chỉ tay vào 1 thứ đồ chơi nào đó, hoặc 1 cuốn sách, hoặc vào chuyện đang xảy ra xung quanh trẻ (hoặc đứa trẻ có thể làm được điều này tuy nhiên rất trễ so với mốc điển hình).
Thực hiện những hành động lặp đi lặp lại, ví dụ như luôn luôn chơi 1 thứ đồ chơi theo đúng 1 cách, hoặc xếp đồ chơi theo hàng ngang, hàng dọc rất cụ thể.
Chống lại sự thay đổi hoặc những điều khác với thói quen. Khó chấp nhận những trải nghiệm mới.
Lời nói cứng nhắc, và theo một khuôn mẫu (giống như kịch bản).
Thiếu thành thạo trong việc sử dụng cử chỉ giao tiếp phi ngôn ngữ.
Không nhận diện được cảm xúc của chính mình hoặc của người khác.
Có các hành vi như xoay người, vỗ tay, xoay tròn, véo, đá, đưa các vật không ăn được vào miệng, hoặc hành vi tự gây thương tích cho bản thân khi tức gianaj.
Tập trung quá mức vào một vài chủ đề nhỏ. Hoặc chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định, từ chối thử các món ăn mới.
Mẫn cảm quá mức với tiếng ồn lớn, mùi hương mạnh, vải vóc, chất liệu, ...
Như mình đã có đề cập ở trên, việc đưa trẻ tới gặp bác sĩ tâm lý trẻ em (child psychiatrist) hoặc bác sĩ tâm lý học thần kinh (neuropsychologist) luôn luôn là việc cần thiết phải làm khi phụ huynh thấy hoài nghi / lo lắng về các hành vi của trẻ. Cha mẹ không nên tự chẩn đoán cho con mình.
Nguồn tham khảo:
Pre-diagnosis support - a guide for parents and carers, National Autistic Society, https://www.autism.org.uk/advice-and-guidance/topics/diagnosis/pre-diagnosis/parents-and-carers, truy cập ngày 20/05/2022.
Diagnostic Criteria https://www.autism.org.uk/advice-and-guidance/topics/diagnosis/diagnostic-criteria/all-audiences#:~:text=The%20DSM%2D5%20Manual%20defines,that%20these%20%E2%80%9Climit%20and%20impair, truy cập ngày 22/08/2023.
What is Autism Spectrum Disorder, American Psychiatric Association, https://www.psychiatry.org/patients-families/autism/what-is-autism-spectrum-disorder, truy câp ngày 22/08/2023.
Đăng ngày 20/05/2022
Lần cuối chỉnh sửa và bổ sung ngày 22/08/2023