Phạm Ngọc Huyền 9/5/2022
Là những người lớn hay đứa trẻ phát triển điển hình như chúng ta, thật khó để nhìn thế giới to lớn này với lăng kính của trẻ Tự kỷ. Nhưng khi có thêm kiến thức và đặc biệt là sự thấu hiểu tới việc tại sao trẻ lại có hành vi như vậy, chúng ta sẽ chấp nhận rằng, trẻ cũng có những ngày tâm trạng không tốt giống như mình.
Trong giao tiếp hàng ngày hoặc với phụ huynh, khi có điều kiện hoặc có một câu hỏi được đặt ra, chúng ta hãy chủ động phổ biến những kiến thức thực tế về Tự kỷ để giúp nhiều người hiểu hơn về Hội chứng này. Cộng đồng sẽ có cái nhìn không định kiến đối với trẻ. Sự chấp nhận trẻ sẽ giúp chúng hoà nhập với chúng ta tốt hơn.
Chúng ta nên thường xuyên động viên trẻ thấy thoải mái với việc mình khác biệt hoặc với bạn khác biệt. Có rất nhiều cách để truyền đạt sự thông cảm này tới trẻ khác và trẻ tự kỷ. Hãy dạy cho trẻ tự kỷ chấp nhận và thậm chí thấy thoải mái với việc mình có đôi chút hơi khác với đa số các bạn & chẳng có gì đáng xấu hổ về việc đó cả. Hãy dạy cho trẻ phát triển điển hình trở nên thấu hiểu và vui vẻ chấp nhận sự khác biệt từ người khác. Chúng sẽ lớn lên thông cảm & giúp đỡ nhau.
Điều chỉnh cách chúng ta giao tiếp với trẻ: Hãy để trẻ sử dụng những cách chúng ưa thích để khám phá thế giới. Theo nhiều cách, ‘nhận thức tự kỷ’ vượt trội hơn so với nhận thức không tự kỷ. Những người tự kỷ với các giác quan phát triển cao của họ thường có thể đánh giá màu sắc, âm thanh, kết cấu, mùi, vị ở mức độ cao hơn nhiều so với những người xung quanh họ. Điều này cần được lưu tâm và không được bỏ qua, vì điều đáng buồn là thường xảy ra.
Khi đặt câu hỏi, hãy để trẻ Tự kỷ có thời gian xử lý thông tin. Chúng ta sẽ đợi và đếm từ 1-5 trong đầu để đợi bé trả lời rồi sẽ đưa ra lựa chọn cho bé.
Trên hết, hãy nghĩ về nhu cầu của sự điều tiết của giác quan là điều tối quan trọng. Một đứa trẻ mất kiểm soát sẽ không còn chút năng lượng nào để tương tác! Nếu phải mất 5 phút để chúng làm những hành động mà chúng thích như đu xà hoặc trên tấm bạt lò xo trampoline, hoặc mặc áo vest áp lực, hoặc siết chặt để giúp trẻ bình tĩnh lại, hãy làm điều đó trước khi bạn cố gắng để giao tiếp hai chiều diễn ra.
Ngay sau khi nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của việc trở nên quá tải về giác quan (sẽ có điểm khác biệt giữa các cá nhân khác nhau), hãy ngừng hoạt động và cho thêm thời gian và không gian để phục hồi, chẳng hạn như mời người đó vào một nơi yên tĩnh hoặc ra ngoài.
Xác định những nguồn của kích thích mà trẻ cảm thấy khó khăn và giảm hoặc loại bỏ chúng (ví dụ: sử dụng ánh sáng tự nhiên thay vì đèn huỳnh quang) hoặc, nếu không thể, cung cấp cho trẻ ‘dụng cụ hỗ giác quan’ (kính màu, nút tai, v.v.)
Lưu ý về màu sắc và họa tiết của quần áo bạn đang mặc và nước hoa của bạn.
Hãy nhớ rằng những gì chúng ta cho là thú vị (ví dụ: pháo hoa) có thể khiến trẻ tự kỷ sợ hãi hoặc choáng ngợp.
Luôn cảnh báo trẻ về khả năng xảy ra tác nhân kích thích mà chúng sợ hãi và chỉ ra nguồn gốc của nó. Đôi khi, trẻ có thể thấy sợ hãi không phải do sự kích thích có thể gây ra mà là do trẻ thấy mình không có khả năng kiểm soát hoặc không dự đoán được.
Nguồn tham khảo:
Dr. Phan Thieu Xuan Giang, Trẻ Tự kỷ 1, www.tamlyhocthankinh.com
Amada Haydock, Pre-school Top Tips, https://www.autism.org.uk/advice-and-guidance/professional-practice/pre-school-top-tips
Dr. Olga Bogdashina, Sensory Differences https://www.autism.org.uk/advice-and-guidance/professional-practice/sensory-differences
Lần cuối chỉnh sửa & bổ sung: 17/5/2022